Nhớ cách đây bao nhiêu năm, Biệt Thự Đà Lạt lần đầu hiện ra trong tôi, một cô gái mới lớn từ Bắc vào Sài Gòn, bỗng bắt gặp trên kệ sách một cuốn tiểu thuyết lạ.
Một thành phố lạ lùng mộng mơ và hờn dỗi trong khung trời của "Vòng tay học trò” với giọng văn mê hoặc của Nguyễn Thị Hoàng.
Đà Lạt càng là niềm mơ ước khi nghe ca sĩ Chế Linh hát "Thành phố buồn, lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn...".
Thành phố đóng đinh trong nỗi niềm lãng mạn huyền ảo của sương mù, của những bàn tay yêu nhau nắm vội. Đến nỗi lần chạm ngõ đầu tiên với những con dốc nhỏ dẫn lên đồi cao đầy hoa cỏ, tôi không thoát ra được nỗi ám ảnh ấy.
Buổi sáng Đà Lạt chìm trong sương sớm, lúc ấy thành phố là cái lạnh tê người với ly cà phê đen thơm đậm kiểu uống của người cao nguyên, và trong cái bóng tối mờ của buổi sớm, chỉ nghe dưới chân đồi thỉnh thoảng vẳng lên tiếng vó ngựa đang thồ rau tươi từ nông trại quanh vùng ra chợ.
Tiếng ngựa gõ móng dưới đường chỉ chấm dứt khi những tia bình mình đầu tiên ló dạng, và hơi sương lúc này chỉ còn phảng phất ướt mặt đường. Trước lúc ra khỏi một nhà nghỉ ở ngoại ô, chúng tôi phát hiện ra bụi hồng với những bông hoa to cỡ chén múc chè xứ Huế. Cả đám xúm lại ngắm nghía xuýt xoa.
Hồi ấy chả có máy ảnh, iPhone để mà tạo dáng như các thiếu nữ bây giờ. Không ngờ buổi trưa trở về, căn phòng chúng tôi ở sực hương thơm quý phái, và trên bàn một bó hồng mấy chục bông rực rỡ. Ra là bà chủ nhà nghỉ thấy chúng tôi khen hoa buổi sớm, đã nhã ý đem vào phòng tặng riêng cho khách trọ.
Bó hoa hồng ấy đã giúp tôi thoát được nỗi ám ảnh của tiểu thuyết "Vòng tay học trò” lãng mạn. Sau chuyến ấy, tôi có ký ức riêng của mình, tôi nhớ những người Đà Lạt hồn hậu, làm du lịch theo phong cách tài tử kiểu bà chủ nhà trọ năm nào.
Đêm Đà Lạt đơn giản, khoai nướng và sữa đậu nành thơm mùi lá dứa, ngồi ăn với sương muối đẫm vai. Sáng sớm Đà Lạt là phiên chợ rau củ cho người ta mua chở về thành phố làm quà. Thứ rau củ không hóa chất bảo quản, đem về phố không cẩn thận có thể bị hư hao ít nhiều. Hồi ấy chỉ với cái thác Cam Ly bé tẹo cũng làm nên một Đà Lạt mộng mơ.
Bây giờ nghe người ta chê bai Đà Lạt là thấy thương lắm! Dẫu biết rằng vẻ đẹp của hoa hồng, của tiếng vó ngựa và làn sương đêm thì mỏng manh quá, sao đòi hỏi Đà Lạt bất biến. Bây giờ người ta không chở rau ra chợ trên những con ngựa thồ.
Chúng được thăng hạng ra đứng bên bờ hồ Hồ Xuân Hương chở khách đi dạo. Nhưng sao hình ảnh mấy anh nài ngựa đội mũ cao bồi, đi giày ống với mấy con ngựa còm ở địa điểm thơ mộng, đẹp nhất Đà Lạt, thấy cứ sống sượng.
Cứ y như người lớn chơi búp bê vậy. Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều, người ta chỉ muốn đến thăm Đà Lạt và mang về một ký ức đẹp. Buổi sáng chợ rau Đà lạt người xem và chụp ảnh nhiều hơn mua, bởi cũng không ai muốn mình thành trò cười vì lỡ mua phải rau củ Trung Quốc trộn đất vàng xứ cao nguyên.
Có một buổi chiều thả bộ theo mấy con dốc xuống chợ, bỗng kinh ngạc sao mình không khoác áo lạnh như năm xưa. Thì ra cái nắng vàng oi bức đang đổ xuống nguyên con phố trơ trụi không có cây cối.
Đà Lạt ít thông thấy rõ, phải bỏ công đi bản Lát, hay đi thung lũng Suối Vàng mới thấy rừng thông còn sót lại chút ít. Cũng chỉ còn thông, còn sương thì... họa hoằn lắm mới thấy nó vào phố. Bạn thổ địa Đà Lạt giải thích như hối lỗi.
Ngang qua nhà ai, một căn nhà gỗ hiếm hoi gác tạm bên con dốc đổ dài xuống một chùm hoa leo hồng và tím. Đà Lạt bao nhiêu là biệt thự đẹp mẫu mực, bao nhiêu công viên với thảm hoa hoành tráng, thế mà lên xe về đến thành phố vẫn cứ chỉ tạc vào ký ức một Đà Lạt với cái hiên rộng nhà ai với giàn hoa leo trông hồng và tím..